Những ngày cuối năm 2022, thị trường lao động toàn cầu tiếp tục có biến động lớn.
Ngay cả những gã khổng lồ công nghệ như Meta – công ty mẹ của Facebook – hay Microsoft, Amazon, Twitter… cũng đối diện khó khăn do tăng trưởng chậm lại, lạm phát tăng và nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy thoái. Nhiều tập đoàn công bố sa thải nhân viên hàng loạt: Meta dự kiến giảm 11.000 nhân viên (tương đương 13% lao động hiện có), Amazon tuyên bố cắt giảm 10.000 nhân viên, còn Twitter cắt giảm 50% lao động…
Tình hình đó cũng diễn ra ở quy mô khác trên toàn cầu, ở những quốc gia khác nhau trong thời thế giới phẳng. Ảnh hưởng từ suy thoái, các đơn hàng cũng ít dần, nhiều hợp đồng bị hủy hoặc ngưng trệ khiến không ít công ty gia công, thâm dụng lao động ở các nước đang phát triển phải cắt giảm lao động… Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp lâm vào khó khăn, phải cho công nhân nghỉ việc luân phiên, nghỉ chờ việc, thậm chí phải chấm dứt hợp đồng lao động.
Những biến động của thị trường lao động là tất yếu, thị trường lao động luôn có sự điều tiết, chuyển động theo tình hình kinh tế – xã hội và những thăng trầm của ngành nghề, từng doanh nghiệp. Có những nghề từng là nghề thời thượng trên thị trường lao động trước đây nhưng nay không còn sức hút nữa, thậm chí có những ngành nghề hầu như biến mất, nhường chỗ cho những ngành nghề mới xuất hiện, nhất là những ngành nghề liên quan đến công nghệ thời 4.0. Cả những xu thế việc làm như tập trung tại công sở cũng thay đổi bằng làm việc tại nhà, làm việc qua mạng cùng sự lớn mạnh của thế hệ lao động trẻ…
Từ biến động của thị trường lao động cũng là dịp để nhìn lại nguồn lực lao động Việt Nam. Đến nay, tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ của Việt Nam mới chỉ đạt trên 26%. Theo nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), năng suất lao động của Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực và đang đối mặt xu hướng giảm trong thập kỷ qua.
Còn theo đánh giá của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, chúng ta chưa tạo ra được lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao. Đa số lao động còn yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm; quy mô, cơ cấu nguồn nhân lực theo trình độ chuyên môn kỹ thuật chưa phù hợp. Chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thị trường lao động, do vậy chưa đủ sức hấp dẫn các doanh nghiệp, cũng như chưa tận dụng được hết cơ hội của thời kỳ dân số vàng để thu hút nguồn lực đầu tư FDI. Sự phát triển của các chuỗi giá trị toàn cầu thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng của thị trường lao động, di chuyển lao động giữa các nước, đòi hỏi người lao động không những có kỹ năng nghề cao mà còn kỹ năng mềm, năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.
Do đó, từng người lao động phải nỗ lực phấn đấu để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, năng suất lao động cùng trình độ ngoại ngữ và các chuyên môn cần thiết khác. Đó là cách để giữ việc làm, cũng là cơ hội việc làm cho những lao động trẻ có kiến thức, tài năng, ý chí tiến thủ, trau dồi nghề nghiệp khi thị trường lao động vẫn có thêm việc làm mới, cung cầu lao động diễn ra theo những kịch bản tăng trưởng mới.
THÔNG ĐẠT
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/goc-nhin/gioi-nghe-de-giu-viec-lam-2022112622052389.htm
6.480 thoughts on “Giỏi nghề để giữ việc làm”